Tỉnh thành VN > Đà Nẵng > Huyện Hòa Vang > Xã Hòa Tiến

Xã Hòa Tiến, Huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng

Thông tin tổng quan về Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng

Hoà Tiến là 1 xã của huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng, nước Việt Nam.
- Tổng diện tích theo k2 là: 14,49 km²
- Tổng số dân: 13385 người (1999)
- Mật độ dân số đạt 924 người/km².
Vị trí địa lý
Hòa Tiến nằm về phía Đông Nam huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 13km và trung tâm hành chính huyện Hòa Vang khoảng 5,6km.
- Phía Đông giáp với xã Hòa Châu
- Phía Tây giáp với xã Hòa PhongHòa Khương
- Phía Bắc giáp với xã Hòa Thọ Tây (Quận Cẩm Lệ)
- Phía Nam giáp với xã Điện Tiến (Tỉnh Quảng Nam).
Điều kiện tự nhiên
Hòa Tiến được bao bọc bởi con sông Yên hợp lưu của sông Vu Gia và sông Túy Loan, chảy qua các thôn An Trạch, Bắc An, Thạch Bồ, Cẩm Nê để theo sông Hàn đổ ra biển, ngoài ra còn có sông Tây Tịnh rẽ nhánh sông yên, từ An Trạch chảy qua Lệ Sơn, La Bông, Yến Nê và quay lại hòa vào sông mẹ tại cửa khẩu Cẩm Nê, trở thành nguồn nước tưới tiêu cho các cánh đồng trù phú đồng thời làm dịu bớt cơn nóng mùa hè của những cồn cát, xóm rừng cằn cỗi. Nhiều cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu như: An Trạch, La Bông, Cẩm Nê, Lệ Sơn, Bắc An, Thạch Bồ....không chỉ là những cánh đồng lúa cao sản, mà còn là những cách đồng rau tươi tốt.
Lịch sử
Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, địa phận Hòa Tiến ngày nay thuộc tổng Thanh An huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam gồm các xã Lệ Sơn, An Trạch, La Bông, Dương Sơn, Yến Nê, Cẩm Nê, Thạch Bồ, An Thới. Cuối tháng 2 năm 1946, thực hiện chủ trương hợp xã lần thứ nhất của Chính phủ, xã Thanh Sơn được hợp nhất từ các xã Lệ Sơn, An Trạch, La Bông và Dương Sơn; xã Thanh Thái được hợp nhất từ các xã Yến Nê, Cẩm Nê, Thạch Bồ, An Thới, cả hai đều thuộc huyện Hòa Vang. Đầu năm 1948 theo chủ trương hợp xã lần hai của Chính phủ, hai xã Thanh Sơn và Thanh Thái được hợp nhất thành xã Hòa Thanh. Đầu năm 1950, thực hiện chủ trương thực hiện hợp xã lần ba của Chính phủ, Huyện ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện đã tiến hành hợp nhất 17 xã được thành lập từ lần hợp nhất đầu năm 1948 thành 8 xã lớn: Hòa Mỹ, Hòa Ninh, Hòa Quý, Hòa Vân, Hòa Thắng, Hòa Nhơn, Hòa Khương và Hòa Tiến. Xã Hòa Tiến được hợp nhất từ ba xã là Hòa Thanh, Hòa Xuân và Hòa Tân, bao gồm địa phận bốn xã Hòa xuân, Hòa Phước, Hòa Châu và Hòa Tiến ngày nay. Đầu năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm chia nhỏ Hòa Tiến thành 5 xã: Hòa Thái (gồm Yến Nê, Cẩm Nê, Thạch Bồ, An Thới, Dương Sơn); Hòa Lợi (gồm: Lệ Sơn, An Trạch, La Bông); Hòa Châu, Hòa Phước và Hòa Đa (Chính quyền Ngô Đình Diệm đổi tên xã Hòa Xuân thành xã Hòa Đa). Tất cả 5 xã Hòa Thái, Hòa Lợi, Hòa Châu, Hòa Phước và Hòa Đa (Tức toàn bộ địa phận của Thanh An trước năm 1945, của xã Hòa Tiến giai đoạn 1950-1954) đều thuộc khu hành chính Quá Giáng quận Hòa Vang do địch tạm chiếm. Như vậy thời chống Mỹ, trên địa bàn xã Hòa Tiến hiện nay có hai xã Hòa Thái và Hòa Lợi. Sau giải phóng, vào ngày mùng 2 tháng 9 năm 1975, nhân kỷ niệm quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đảng và nhà nước có chủ trương hợp nhất hai xã Hòa Thái và Hòa Lợi thành xã Hòa Tiến gồm 7 thôn: An Trạch, Lệ Sơn, La Bông, Yến Nê, Cẩm Nê, Thạch Bồ và Dương Sơn (Sau khi tách Tây An và Dương Sơn dưới về trực thuộc xã Hòa Châu; còn thôn Bắc An hiện nay thì đến năm 1977 khi vào HTX NN mới tách ra từ An Trạch)
Kinh tế - Xã hội
Người Hòa Tiến vốn có truyền thống lao động cần cù và sáng tạo. Thuở mới dựng làng lập ấp hầu hết cư dân ở đây đều sống bằng nghề nông. Nông nghiệp ở Hòa Tiến phát triển khá mạnh và sớm có ý thức làm ăn tập thể, trong điều kiện nền kinh tế tự túc tự chỗ, một số một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ cũng bắt đầu xuất hiện. Ẩn mình dưới lũy tre xanh là các làng nghề truyền thống: dệt chiếu Cẩm Nê, đan tre Yến Nê, chằm nón La Bông, nhuộm chàm An Thới.....Hầu hết người Hòa Tiến đều dĩ nông vi bản, lấy nghề nông làm chính và lúc nông nhàn mới làm thêm mới làm thêm một số nghề phụ như đan lát, dệt chiếu, chằm nón rồi trực tiếp mang sản phẩm của mình đi bán khắp nơi.
Để có thể tồn tại và phát triển trước một thiên nhiên đầy khắc nghiệt và một xã hội luôn biến động người Hòa Tiến hết sức coi trọng truyền thống cố kết cộng đồng theo thứ tự tôn ty của tộc họ, theo hương ước của làng xã và tất nhiên theo luật vua phép nước. Ngoài việc thừa hưởng cốt cách đậm đặc từ những tiên dân Thanh-Nghệ đi mở cõi thì hoàn cảnh mới đã tạo thêm cho người Hòa Tiến những tính cách mới: chăm chỉ siêng năng, chịu thương chịu khó trong lao động; rất bao dung phóng khoáng trong giao tiếp nhưng lại thẳng thắn bộc trực đôi khi đến nóng này. Đó là chưa kể xuất phát từ lòng yêu nước thương quê và nỗi khát khao được đổi đời, người Hòa Tiến rất quyết liệt trên lĩnh vực chính trị qua cách lựa hoặc là thế này hoặc là thế khác. Cách lựa chọn hoặc là thế này hoặc là thế khác đầy tính chất quyết liệt như vậy đã hình thành trong hầu hết người Hòa Tiến sự kiên định đến cùng với những gì mình vốn tin là đúng. Trong suốt thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ số đông người Hòa Tiến đều đứng về chính nghĩa, đều lựa chọn con đường yêu nước và cách mạng.
Nhìn lại chặng đường lịch sử kể từ sau ngày quê hương giải phóng, trước bao khó khăn thử thách, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy Hòa Vang và sự quan tâm giúp đỡ của các cấp các ngành, Đảng bộ và nhân dân Hòa Tiến không ngừng phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết chặt chẽ, hăng hái thi đua, chung sức chung lòng hàn gắn vết thương chiến tranh để xây dựng và phát triển quê hương. Sau 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Hòa Tiến có những bước phát triển toàn diện, chính trị ổn định, kinh tế không ngừng được tăng trưởng, nông thôn luôn được đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được giữ vững; Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các hội đoàn thể luôn là đơn vị vững mạnh, được Chủ tịch nước tặng thưởng:
- 1 Huân chương Lao động hạng Nhì
- 2 Huân chương Lao động hạng Ba
Đặc biệt để ghi nhận thành tích lớn lao của Đảng bộ và nhân dân Hòa Tiến trong thời kỳ đổi mới, nhân kỷ niệm 55 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2 tháng 9, Chủ tịch nước cùng lúc tặng thưởng cho xã Hòa Tiến danh hiệu Anh hùng Lao động và cho Công an xã Hòa Tiến danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Có thể nói thành quả mà Đảng bộ và nhân dân Hòa Tiến đạt được trong sáu mươi tám năm đấu tranh cách mạng (1945 - 2013) được kết tinh bởi sức mạnh của truyền thống quê hương, bởi năng lực sáng tạo, tâm huyết cháy bỏng và sức lao động cần cù của cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã nhà cùng với sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ tạo điều kiện của các cấp các ngành từ huyện đến thành phố và Trung ương. Thành quả đó cũng là tiền đề hết sức quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Hòa Tiến tiếp tục đem hết sức mình phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới trong năm 2013 để xứng đáng là một xã từng được Nhà nước phong tặng 3 danh hiệu anh hùng.
Tín ngưỡng - Tôn giáo
Về tín ngưỡng tôn giáo, người Hòa Tiến chủ yếu thờ cúng ông bà và các đạo Thiên chúa giáo, Phật giáo, Đạo tin lành. Tuy nhiên dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo, người Hòa Tiến cũng đều xác nhận mình là đồng bào, đồng hương, thậm chí cùng chung huyết thống tộc họ, từ đó luôn sống tương thân tương ái, sẵn sàng cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong lúc gian nan khi hoạn nạn, cho nên trải qua bao nhiêu trầm luân dâu bể mà trên đất Hòa Tiến vẫn không hề xảy ra chuyện kỳ thị lương - giáo. Hòa Tiến không phải là đất học như Gò Nổi hay Cẩm Toại và một số địa phương khác ở Quảng Nam, nhưng với bản tính thông minh, ham học hỏi lại chịu khó nên đời nào Hòa Tiến cũng có người thành đạt trên con đường học vấn và quan trọng hơn là biết đem hết sở học của mình để phụng sự dân tộc, phụng sự cộng đồng, không ít người đã trở thành học giả nổi tiếng như nhà nghiên cứu văn học Đặng Tiến nhiều năm giảng dạy đại học ở Pháp, như tiến sĩ Ngô Khóa từng đóng góp nhiều thành tựu khoa học tại Tổng cục Khí tượng thủy văn....
Phường / Xã / Thị trấn cùng tên Hòa Tiến:

Hình ảnh về Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng

Hình ảnh Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng
Trụ sở UBND xã Hòa Tiến
Hình ảnh Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng
Tuyến đường Cầu Đỏ - Điện Hòa đi qua xã Hòa Tiến

Dự án bất động sản tại Xã Hòa Tiến, Hòa Vang - Đà Nẵng

Hiện chưa có dự án nào tại Xã Hòa Tiến, Hòa Vang - Đà Nẵng

Xã Hòa Tiến gần với xã, phường nào?

Bản đồ vị trí Hòa Tiến

Ghi chú về Hòa Tiến

Thông tin về Xã Hòa Tiến, Huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng liên tục được cập nhật tại tinbds.com. Nếu bạn thấy thông tin không chính xác, vui lòng góp ý với ban quản trị website tinbds.com. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn đóng góp của bạn.
Từ khóa tìm kiếm:
Xã Hòa Tiến, Huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng: bản đồ vị trí, các dự án, phường quận huyện thị xã thành phố trực thuộc. Điện thoại UBND, hình ảnh về Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng