Tỉnh thành VN > Hà Nội > Huyện Thanh Trì > Xã Vạn Phúc

Xã Vạn Phúc, Huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội

Thông tin tổng quan về Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội

Vạn Phúc là 1 xã của huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Vị trí địa lý
Xã Vạn Phúc nằm ở phía đông huyện Thanh Trì. Ranh giới hành chính như sau:
- Phía đông giáp thị trấn Văn Giang và các xã Liên Nghĩa, Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, với ranh giới tự nhiên là sông Hồng;
- Phía nam giáp với xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội;
- Phía tây giáp các xã Đông MỹDuyên Hà, huyện Thanh Trì;
- Phía bắc giáp với xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (ranh giới tự nhiên là sông Hồng).
Vạn Phúc xây dựng nông thôn mới
Triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) đã đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả mang lại giá trị cao. Bên cạnh đó, xã tích cực huy động các nguồn lực để hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2015.
Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc Nguyễn Yên cho biết, với mục tiêu nâng cao đời sống người dân, xã đã tập trung vào công tác dồn điền đổi thửa làm nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi: Đến cuối năm 2013, xã đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa với tổng diện tích 160ha đất sản xuất nông nghiệp cho 1.623 hộ. So với trước khi dồn điền đổi thửa, tình trạng đất manh mún nhỏ lẻ đã được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ có tổng số diện tích theo km2 đất sản xuất nông nghiệp từ 500 đến 3.000m2.
Đây là điều kiện tốt để kinh tế hộ phát triển và chuyển đổi trồng cây ăn quả theo quy hoạch. Xã đã chuyển đổi được 82ha/101ha đất sản xuất nông nghiệp sang trồng cây ăn quả với các loại cây trồng như: bưởi, cam, quất. Diện tích còn lại đang trồng các loại cây ăn quả khác như: nhãn, chuối, đu đủ, ổi… Hiện trên địa bàn xã có 35 trang trại với tổng diện tích 41ha, các trang trại hoạt động ổn định, có hiệu quả, cho giá trị trên 200 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đạt 29 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,1%. Hiện xã đang tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi hết diện tích còn lại trong năm 2015.
Bên cạnh đó, ngoài việc tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của thành phố và huyện, từ năm 2012 đến nay, xã đã vận động người dân đóng góp tiền mặt được trên 400 triệu đồng. Có 200 hộ dân tự nguyện hiến trên 1.054m2 đất ở, dịch chuyển hơn 2.000m2 tường rào để mở rộng đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Đến nay, đường giao thông ngõ xóm của xã đều được bê tông hóa; đường trục chính nội đồng cũng cứng hóa được 2,8km tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại cũng như sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, trong xây dựng NTM, xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn và hoàn thành chương trình xây dựng NTM trong năm 2015, từ nay đến cuối năm, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế. Khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ, đưa cơ giới và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đặc biệt gắn phát triển sản xuất với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao đời sống người dân. Xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, đường làng, ngõ, xóm, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, tang, lễ hội, bài trừ các tệ nạn xã hội…
Làng Vạn Phúc
Làng Vạn Phúc nay là một thôn của xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). Đầu thế kỷ XIX là "Vạn Phúc châu" thuộc tổng Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, phủ Thường tín, trấn Sơn Nam Thượng (năm 1831 đổi làm tỉnh Hà Nội, năm 1904 thuộc tỉnh Hà Đông). Sau Cách mạng, làng nhập với làng Mỹ Ả thành xã mang tên Vạn Phúc. Năm 1926, làng có 1223 nhân khẩu.
Vạn Phúc nằm ven sông Hồng, có vùng bãi màu mỡ nên được con người khai phá từ rất sớm. Làng thờ vị thần tên là Uy Mang (hay Hồng Mang), theo thần phả là anh em sinh đôi của Vua Hùng Nghị Vương. Ông là vị tướng văn võ song toàn, có công lớn giúp vua cha giữ yên bờ cõi, sau khi qua đời được phong Phúc thần và được 27 làng xã phụng thờ.
Làng Vạn Phúc in đậm nhiều dấu ấn của lịch sử đất nước. Tháng Giêng năm Giáp Tý (544), Lý Bí (Lý Bôn) sau khi khởi binh đánh đuổi được Thứ sử Tiêu Tư của nhà Lương đã xưng vua, đặt tên nước là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức, dựng điện Vạn Xuân. Theo các nhà nghiên cứu thì điện Vạn Xuân ở bên hồ Vạn Xuân (xưa gọi là Vạn Xoan), chính là đầm Vạn Phúc bên bờ sông Hồng.
Năm Bính Ngọ (1426), nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi, Nguyễn Trãi chỉ huy đóng quân ở Tây Phù Liệt (xã Đông Phù ngày nay). Hai ông đã cho tôn đê Vạn Xuân, biến đoạn đê này thành chiến lũy quan trọng để bao vây thành Đông Quan của giặc Minh.
Tháng Sáu, năm Bính Ngọ (1786), quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tấn công ra Bắc diệt nhà Trịnh. Chúa Trịnh đã bố trí một lực lượng lớn quân do tướng Hoàng Phùng Cơ chỉ huy, đóng ở đầm Vạn Phúc để ngăn chặn. Song, quân chúa Trịnh bị đánh tan ngay từ trận đầu. Sáu người con của Hoàng Phùng Cơ chết trong trận này. Cơ và 2 người con còn lại cướp đường chạy về Thăng Long.
Nằm ven sông Hồng, Vạn Phúc có bãi bờ phù sa màu mỡ, thuận tiện cho việc cấy trồng các loại hoa màu, cây công nghiệp. Tuy nhiên, hàng năm, dân làng phải chịu cảnh nước lụt nên phải bỏ nhiều côg sức đắp và tu bổ đê. Phần cuối đê Vạn Xuân (Vạn Xoan) nằm trên đất Vạn Phúc chính là phần quan trọng của đê Đỉnh Nhĩ. Tương truyền, vào đầu thời Lê Sơ, đoạn đê này vỡ đến 13 lần, đắp xong lại vỡ. Bờ đối diện của đê này nằm trên đất làng Nga My của huyện Thanh Oai. Trong quá trình đắp đê đó, dân hai làng Vạn Phúc và Nga My thường hỗ trợ nhau về vật chất, phương tiện và cả sức người, từ đó hình thành tục kết nghĩa giữa hai làng, được duy trì cho đến ngày nay.
Vạn Phúc có ngôi đình làng, ngoài vị thần Uy Mang còn thờ Lê Sạn là người làng, đỗ Bảng nhãn khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống đời Vua Lê Hiến Tông (năm 1502), khi ông mới 26 tuổi, làm quan đến Thượng thư bộ Lại, từng đi sứ sang nhà Minh. Làng có chùa Tiên Linh, tên Nôm là chùa Trắng hay chùa Bụt Mọc. Tục truyền, vào thời Vua Lý Thái Tổ (1009 - 1028), có một năm đê vỡ, dân làng thấy một pho tượng trôi trên đầm Vạn Xuân, liền làm lễ khấn trời Phật; lễ xong thì tượng dừng trôi. Vua biết tin liền sức cho dân làng dựng am thờ và cho đặt tên chùa là Bụt Mọc, song dân làng thường quen gọi là chùa Trắng. Sau đó, chùa được mở mang khang trang, nhưng do chiến tranh và thiên tai nên chùa bị xuống cấp, đổ nát dân, hiện chỉ còn hậu cung và trụ cổng chùa.
Dân làng Vạn Phúc có một bộ phận theo Công giáo, dựng nhà thờ vào cuối thế kỷ 19. Nay là Giáo xứ Vạn Phúc thuộc Tổng giáo phận Hà Nội.
Phường / Xã / Thị trấn cùng tên Vạn Phúc:

Hình ảnh về Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội


Mô hình trồng cây ăn quả cho giá trị cao ở xã Vạn Phúc

Dự án bất động sản tại Xã Vạn Phúc, Thanh Trì - Hà Nội

Hiện chưa có dự án nào tại Xã Vạn Phúc, Thanh Trì - Hà Nội

Xã Vạn Phúc gần với xã, phường nào?

Vị trí Vạn Phúc

Ghi chú về Vạn Phúc

Thông tin về Xã Vạn Phúc, Huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội liên tục được cập nhật tại tinbds.com. Nếu bạn thấy thông tin không chính xác, vui lòng góp ý với ban quản trị website tinbds.com. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn đóng góp của bạn.
Từ khóa tìm kiếm:
Xã Vạn Phúc, Huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội: bản đồ vị trí, các dự án, phường quận huyện thị xã thành phố trực thuộc. Điện thoại UBND, hình ảnh về Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội