Tỉnh thành VN > Bắc Ninh > Huyện Gia Bình > Xã Cao Đức

Xã Cao Đức, Huyện Gia Bình, Tỉnh Bắc Ninh

Thông tin tổng quan về Cao Đức, Gia Bình, Bắc Ninh

Cao Đức là 1 xã của huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nước Việt Nam.
Xã Cao Đức có tổng số diện tích theo km2 11,4 km²
Tổng số dân vào năm 1999 là 5547 người
Mật độ dân số đạt 487 người/km².
Đền Cao Lỗ
Đền thờ Cao Lỗ nay nằm ở thôn Lớ (Đại Than) xã Cao Đức đối điện với bãi Nguyệt Bàn - đền Tam Phủ ở hạ lưu sông Đuống tiếp giáp với Lục Đầu giang. Đây là ngôi đền chính trong số 7 làng ở xã Vạn Ninh và Cao Đức cùng thờ danh nhân Cao Lỗ - nhân vật lịch sử có công lớn trong việc bảo vệ, tổ chức và xây dựng nhà nước Âu Lạc dưới triều vua Thục An Dương Vương.
Căn cứ vào một số tài liệu, thần tích, sắc phong lưu tại đền cùng truyền tích ở địa phương cho hay: Cao Lỗ là một viên tướng giỏi của Thục Phán An Dương Vương. Ông là người có công giúp An Dương Vương chế ra cung nỏ có hiệu quả cao để chống lại Triệu Đà. Song do can gián An Dương Vương nhiều lần về việc bớt ăn chơi xa xỉ để lo toan việc nước không được nên ông đã bỏ đi và mất tại Cao Đức. Để nhớ ơn công lao to lớn của ông, nhân dân thôn Lớ đã lập đền tôn thờ ông trên bãi đất cao bồi đắp ven hạ lưu sông Đuống tiếp giáp với Lục Đầu Giang để tưởng niệm mãi mãi về sau.
Trải nhiều thế kỷ, qua bao thời gian ngôi đền thờ tướng quân Cao Lỗ dựng bên bờ sông Đuống nơi hội tụ của sáu con sông (còn gọi là Lục Đầu Giang) vẫn luôn được nhân dân địa phương trùng tu, mở rộng vào các thời Lê - Nguyễn, song vẫn giữ được đường nét kiến trúc truyền thống bao gồm: đền Ngoài, đền Trung và đền Thượng.
Nhìn chung các pho tượng tạc thờ ở đền Cao Lỗ đều được làm bằng gỗ, nghệ thuật tạc tượng cực kỳ tài nghệ, hình thể cân đối hài hoà theo tỷ lệ, chạm nổi rõ từng chi tiết nhỏ từ khoé mắt đền bờ môi, nếp gấp của tà áo…kỹ thuật tạc tượng điêu luyện, nhìn sống động nhưng thành kính trang nghiêm. Căn cứ vào đường nét hoa văn trạm nổi trên mũ và thân hình của các pho tượng có thể đoán định, hầu hết các pho tượng ở đền thờ Cao Lỗ đều được tạc vào thời Nguyễn, mang giá trị nghệ thuật cao. Cùng với hệ thống tượng thờ, đền Cao Lỗ còn bảo lưu được nhiều cổ vật có giá trị khác như: bản thần phả soạn năm Tự Đức 32 (1879), 22 đạo phong có niên đại thời Lê và Nguyễn; hệ thống hoành phi, câu đối, ngai thờ, bài vị, siêu đao bát biểu; đôi sấu đá cùng nhiều đồ thờ tự cổ quý khác. Những tài liệu cổ vật này vừa là chứng tích lịch sử minh chứng cho sự tồn tại của ngôi đền, vừa là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu của hai thời Lê- Nguyễn.
Lễ hội đền Cao Lỗ được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội của 7 làng cùng có chung tín ngưỡng thờ thần Cao Lỗ của xã Cao Đức và đền thờ Cao Lỗ thuộc thôn Cao Lớ (Đại Trung) chính là trung tâm của lễ hội vùng Than.
Đền thờ Cao Lỗ đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia, quyết định số 08/2005/QĐ-BVHTT, ngày 8/3/2005.
Chùa Thánh Ân
Chùa Thánh Ân nay thuộc thôn Kênh Phố, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Thời Lê, Mạc thuộc xã Phù Than, huyện Gia Định, phủ Thuận An. Thời Nguyễn thuộc xã Phù Than, tổng Vạn Ty, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa có tên chữ là “Thánh Ân tự” vốn được khởi dựng từ thời Trần. Truyền tích ở địa phương cho hay: do nhân dân sở tại đã có nhiều công lao đóng góp trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông, do vậy sau chiến thắng dân sở tại đã được vua Trần miễn thuế cấp đất và cho xây dựng chùa thờ Phật. Để nhớ ơn, nhân dân địa phương đã tạc tượng thờ vua Trần Nhân Tông trong chùa, hiện vẫn còn ghi khắc trên tài liệu văn bia, văn chuông bảo lưu tại chùa.
Chùa Thánh Ân là công trình văn hóa kiến trúc đặc sắc và đã được sửa chữa lớn vào thế kỷ XVI-XVII. Năm Tân Sửu (1661) chùa được làm mới toà Thiêu hương, toà Tiền án, trùng tu toà Tiền đường, Hậu đường. Sau đó ngôi chùa đã bị đổ nát (hiện vẫn còn dấu tích nền móng).
Hàng năm lễ hội chùa Thánh Ân được tổ chức vào ngày mùng 2 tháng 11 (ngày giỗ tổ Trần Nhân Tông), người đã có công xây dựng chùa. Ngoài ra còn các ngày sự lệ khác như ngày 6 tháng 2 ngày giỗ tổ của chùa (các vị tổ trụ trì). Lễ hội mở rộng toàn xã, nhân dân địa phương và quanh vùng đều đến dâng hương và lễ phật với tấm lòng thành kính, trang nghiêm.
Chùa Thánh Ân đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, quyết định số 49/UBND, ngày 20/1/1988.
Chùa Hồng Ân
Chùa Hồng Ân còn gọi nôm là chùa Bình Than, nay thuộc thôn Bình Than, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Khảo sát cho biết: ngôi chùa là công trình văn hóa tín ngưỡng thờ Phật có từ lâu đời và đã được trùng tu mở rộng vào thời Lê, do lâu ngày chùa đã bị đổ nát, tới thời Nguyễn chùa được sửa chữa.
Chùa Hồng Ân đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, quyết định số 49/UBND, ngày 20/1/1988.
Đền Tam Phủ- Bái Nguyệt Bàn
Đền Tam Phủ nay thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đây là di tích tín ngưỡng thờ Mẫu - nét văn hoá độc đáo của dân tộc do nhân dân địa phương dựng lên từ lâu đời trên bãi nổi Nguyệt Bàn để tôn thờ 3 vị chí tôn: Thiên Phủ, Địa Phủ, Thuỷ Phủ.
Nguyệt Bàn là bãi cát cao nổi trội giáp danh giữa: sông Đuống và sông Thái Bình thuộc khu vực Lục Đầu Giang; điểm gặp của 6 dòng sông: sông Đuống, sông Thái Bình, sông Kinh Thày ở bên phải và sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam ở bên trái đồng thời cũng là điểm giáp danh của 3 tỉnh Bắc Ninh, Bắc GiangHải Dương.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, đền Tam Phủ do xã Đại Than trực tiếp quản lý. Khi đó, xã Đại Than gồm 3 thôn: Bình Than, Đại Trung (còn gọi là làng Lớ), Đông Trung (Gốm). Cả 3 thôn hàng ngày đều cử cụ Từ thường xuyên ở đền trông coi, đèn hương. Quy định hàng tháng vào ngày tuần mùng 1 và ngày rằm các cụ 3 thôn đều ra đền làm lễ.
Từ năm 1948 trở lại đây, đền Tam phủ do UBND xã Cao Đức quản lý và giao cho 3 thôn: Bình Than, Đại Trung và Đông Trung trực tiếp trông coi, quy định hàng năm vào ngày 15 tháng 2 và ngày 15 tháng 8 (âm lịch) tổ chức tế lễ tại đền. Khi tế Bình Than được làm chủ tế, các vai phụ do 3 thôn phân bổ.
Bãi Nguyệt Bàn nằm ở hạ lưu sông Đuống, tiếp giáp với Lục Đầu Giang, nguyên xưa rộng chừng 500 mẫu, xa khu dân cư, trên bãi mọc đầy lau sậy. Theo truyền lại, khi vua quan nhà Trần tổ chức Hội nghị trên bến Bình Than vào mùa Đông năm 1282 để bàn kế sách đánh giặc bảo vệ đất nước đã ra bãi Nguyệt Bàn - đền Tam Phủ lập đàn tế cáo trời đất cầu mong chiến thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược nước ta vào thế kỷ thứ XIII. Từ hội nghị quan trọng này, vua quan nhà Trần đã được đông đảo tầng lớp nhân dân trong nước nhiệt tình tham gia ủng hộ, từ đó xác định rõ kẻ thù của mình để nêu cao ý chí quyết thắng, đập tan kẻ thù xâm lược và đã chiến thắng giặc Nguyên - Mông, mở trang sử vàng chói lọi cho dân tộc.
Về thời điểm dựng đền, cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định ngôi đền khởi dựng vào ngày tháng năm nào? Song căn cứ hồ sơ di tích lưu tại Ban quản lý di tích tỉnh và qua khảo sát thực tế cho thấy: công trình kiến trúc xưa của Đền dựng từ lâu đời và đã được trùng tu, mở rộng vào thời Lê - Nguyễn, bao gồm: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ.
Bãi Nguyệt Bàn – đền Tam Phủ đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa ngày 16/8/2007, quyết định số 1111/QĐ-UBND.

Hình ảnh về Cao Đức, Gia Bình, Bắc Ninh

Hình ảnh Cao Đức, Gia Bình, Bắc Ninh
Chùa Hồng Ân
Hình ảnh Cao Đức, Gia Bình, Bắc Ninh
Chùa Thánh Ân
Hình ảnh Cao Đức, Gia Bình, Bắc Ninh
Đền Cao Lỗ
Hình ảnh Cao Đức, Gia Bình, Bắc Ninh
Đền Tam Phủ-Bái Nguyệt

Dự án bất động sản tại Xã Cao Đức, Gia Bình - Bắc Ninh

Hiện chưa có dự án nào tại Xã Cao Đức, Gia Bình - Bắc Ninh

Xã Cao Đức gần với xã, phường nào?

Bản đồ vị trí Cao Đức

Ghi chú về Cao Đức

Thông tin về Xã Cao Đức, Huyện Gia Bình, Tỉnh Bắc Ninh liên tục được cập nhật tại tinbds.com. Nếu bạn thấy thông tin không chính xác, vui lòng góp ý với ban quản trị website tinbds.com. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn đóng góp của bạn.
Từ khóa tìm kiếm:
Xã Cao Đức, Huyện Gia Bình, Tỉnh Bắc Ninh: bản đồ vị trí, các dự án, phường quận huyện thị xã thành phố trực thuộc. Điện thoại UBND, hình ảnh về Cao Đức, Gia Bình, Bắc Ninh