Tỉnh thành VN > Thừa Thiên Huế > Huyện Phong Điền

Huyện Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế

Thông tin tổng quan về Phong Điền, Thừa Thiên Huế

Phong Điền Là một vùng đất ở cực Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, có diện tích gần bằng 1/5 diện tích tự nhiên của tỉnh, trải rộng trên cả 3 vùng núi đồi, đồng bằng, đầm phá và bờ biển, Phong Điền vốn có một tiềm năng đất đai, rừng núi, động vật và tài nguyên khoáng sản dồi dào. Thiên nhiên Phong Điền quả là phong phú và đa dạng.

Vị trí địa lý

Phong Điền là huyện nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, rộng 953,751 km2, gần bằng 1/5 diện tích tự nhiên của tỉnh, có tọa độ địa lý (chỉ tính đất liền) từ 16020'55'' đến 16044'30'' vĩ Bắc và 10703'00'' đến 107030'22'' kinh Đông.
Phong Điền phía Bắc giáp huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Địa giới hai huyện ở đồi núi phía Tây chạy dọc theo đường phân thủy của các nhánh sông Thác Mã và sông Câu Nhi. Về đồng bằng phía Đông, địa giới ấy gần trùng với dòng sông Ô Lâu từ phường Tây Lái về Vân Trình, rồi từ Vân Trình cắt qua dải cát ven biển và tận cùng ở làng biển Trung Đồng.
Về phía Tây, Tây Nam và phía Nam, Phong Điền giáp hai huyện Đakrông và A Lưới. Ở đây địa giới giữa Đakrông, A Lưới và Phong Điền gần như chạy dọc đường phân thủy dải Trường Sơn với độ cao ngày càng tăng từ Tây Bắc vào Đông Nam, nơi bắt nguồn các sông suối Bắc Thừa Thiên Huế - Nam Quảng Trị. Vào đến vùng thượng nguồn các nhánh sông Bồ tại đỉnh núi cao 1.666 mét, địa giới này tách khỏi đường phân thủy dải Trường Sơn rẽ sang Đông theo đường phân thủy hai sông nhánh Rào Tràng và Rào La của sông Bồ.
Về phía Đông và Đông Nam, Phong Điền giáp hai huyện Quảng Điền và Hương Trà. Đường phân chia địa giới với Hương Trà gần trùng với đoạn trung lưu sông Bồ từ Rào La về An Lỗ, với Quảng Điền là đường từ An Lỗ vòng sang phía Đông và Đông Bắc xã Phong Hiền rồi từ đó rẽ ngoặt lên Tây Bắc, cắt qua vùng cát nội đồng Phong - Quảng. Đi quá về phía Tây cửa sông Ô Lâu một ít lại đổi sang hướng Đông Nam cắt dọc mặt nước phá Tam Giang. Đến hết địa phận xã Điền Hải lại chạy theo hướng Đông Bắc, cắt qua dải cát ven biển và chấm dứt ở bờ biển xã này.
Phong Điền phía Đông Bắc giáp biển Đông với đường bờ thẳng tắp theo hướng Tây Bắc - Đông Nam trên chiều dài gần 16 km.
Lãnh thổ Phong Điền trải rộng theo hướng Tây Nam - Đông Bắc từ Trường Sơn ra tận biển với chiều dài gần 46 km. Đi theo hướng Tây Bắc - Đông Nam lãnh thổ thu hẹp. Nơi hẹp nhất chỉ chừng 10 km (cửa sông Ô Lâu đến Hải Lăng). Sự phân bố lãnh thổ huyện như trên khiến sự phân hóa thiên nhiên theo chiều Tây - Đông đa dạng hơn chiều Nam - Bắc.

Lịch sử

Huyện được đặt năm Minh Mạng thứ 15 (1834) thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa; từ 11 tháng 3 năm 1977, hợp nhất với các huyện Hương Trà, Quảng Điền thành huyện Hương Điền thuộc tỉnh Bình Trị Thiên (1976 - 1989); từ 29 tháng 9 năm 1990, chia huyện Hương Điền trở lại 3 huyện cũ thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế

Diện tích - Dân số

Đến năm 2003 dân số toàn huyện đã lên đến 104.583 người, phân bố ở 15 xã và 1 thị trấn. Huyện có diện tích tự nhiên là 95.375,10 ha, mật độ dân số bình quân 109 người/ km2. Nhưng sự phân bố dân cư trong huyện không đều. Vùng ven biển, ven bờ Đông phá Tam Giang có mật độ lớn nhất, dao động trong khoảng từ 200 đến 700 người/km2, cá biệt xã Phong Hải lên tới 930 người/km2. Các xã vùng đồng bằng từ 200 đến 400 người/km2. Các xã vùng núi từ 10 đến 90 người/km2 (Phong Mỹ 12, Phong Xuân 30, Phong Sơn 90 người/km2).

Di tích lịch sử

Phong Điền là vùng đất có nhiều dấu ấn của nền văn hóa Chăm Pa.
DI TÍCH CHĂM PA TẠI CHÙA ƯU ĐIỀM
DI TÍCH CHĂM PA TẠI THẾ CHÍ TÂY
CHÙA GIÁC LƯƠNG
NHÀ THỜ HỌ LÊ VĂN LÀNG MỸ XUYÊN
CHIẾN KHU HÒA MỸ

Giáo dục

Sau ngày giải phóng, ngành giáo dục Phong Điền chuyển biến mạnh về số lượng và chất lượng, đã có đủ 4 ngành: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp dạy nghề. Trong những năm 1977-1990, sự chỉ đạo các trường tiểu học và phổ thông cơ sở do phòng Giáo dục Hương Điền. Từ cuối năm 1990, cùng với việc tách huyện Hương Điền, tái lập huyện Phong Điền, phòng Giáo dục Phong Điền được thành lập, việc phát triển giáo dục huyện nhà càng tăng tiến hơn. Mạng lưới trường lớp và quy mô các ngành học, nổi bật là ngành học mầm non và phổ thông tiếp tục ổn định và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của con em.

Y tế

Trung tâm Y tế Huyện Phong Điền
Địa chỉ : Thị trấn Phong Điền, Huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế
Điện thoại: (0234)-355276
VĂN PHÒNG HĐND VÀ UBND HUYỆN PHONG ĐIỀN
Địa chỉ: Trạch Thượng 1, Thị trấn Phong Điền, Huyện Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên - Huế
Điện thoại: 054.3551221

Danh nhân nổi tiếng

Hoàng Minh Hùng (thế kỷ XV): Người làng Cảm Quyết, Nghệ An, là quan võ tham gia chiến dịch bình Chiêm năm 1470 do vua Lê Thánh Tông làm tổng chỉ huy. Thắng lợi, hưởng ứng chủ trương di dân lập ấp, tăng cường tiềm lực cho Thuận Hóa, ông đã tìm đất, trên từ khe Trăn, khe Trái, dưới là xứ Cồn Dàng (thường quen đọc theo mặt chữ Hán là Cồn Dương), chiêu tập nhân dân, lập nên làng mới tên là Cảm Quyết, huyện Kim Trà (tức làng Phước Tích). Ông còn có tục danh là Nồi, chức tước là Đô chỉ huy sứ, Vệ Cẩm Y, quản trị phó tướng Hùng Minh hầu. Ông là người khai canh của làng, cũng là một vị thuỷ tổ trong 3 họ chính đặt cơ sở cho sự hình thành nghề gốm của làng Phước Tích.
Nguyễn Duy Năng (1534- ?): Là một trong các vị tổ mở mang dòng họ Nguyễn Khoa làng Ưu Điềm. Năm 1574 ông đăng ký quê gốc là làng Dĩnh Uyên, huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) thi đỗ tiến sĩ dưới triều Mạc. Làm quan thừa chính sứ, thăng lên Trấn quốc đại tướng quân. Đây là vị tiến sĩ khai khoa của quê hương Phong Điền.
Nguyễn Đăng Đàn (thế kỷ XVIII) Còn có tên là Nguyễn Đăng Tường, tự là Thuần Nhất, hiệu là Bất Nhị, người làng Ưu Điềm. Từ bé vốn thông minh, học giỏi, nhưng không thích khoa cử, có tiếng giỏi về lý số và binh pháp. Tính tình điềm tĩnh, ưa làm điều thiện, vui với đạo lý, không thích vinh hoa danh lợi. Đời chúa Nguyễn Phúc Hoạt (1738-1764), ông lấy tư cách là thường dân, đến triều đình dâng bản kế sách bằng chữ Nôm, đại ý nói: người làm vua chúa nên lấy việc cầu hiền tài, nghe lời can gián là trên hết. Chúa khen lời nói đúng đắn, thiết thực, muốn mời vào bổ quan, ông từ chối, vẫn tiếp tục nghề dạy học, làm nhà ở núi Thanh Thuỷ, học trò có đến vài trăm người, phần nhiều thành đạt. Đến lúc 70 tuổi, ông vẫn bền chí, đức hạnh tốt đẹp, người đời kính trọng, tôn xưng là Siêu Quần tiên sinh (bậc thầy hơn người).
Nguyễn Tri Phương (1800-1873)
Xuất thân gia đình thợ mộc ở làng Đường Long (tức Chí Long, xã Phong Chương), nguyên tên Nguyễn Văn Chương tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên. Ban đầu làm thư lại tại huyện rồi chuyển vào Thừa ty ở phủ Nội vụ năm 1823, thăng lên tham tri bộ Lễ (1837). Năm 1840 làm thự tuần phủ Nam Ngãi, năm 1841 lại làm tuần phủ An Giang, đẩy lui quân Xiêm xâm lược, rồi Tổng đốc Long Tường (1842), giữ yên bờ cõi phía Nam và giúp dân khai thác ruộng đất.
Năm 1850, cử làm Kinh lược Nam Kỳ, lãnh tổng đốc Định Biên, kiêm coi 2 đạo Long Tường, An Hà, dâng sớ xin mở đồn điền, lập ấp nơi đây. Năm 1853 về Huế, thăng Đông Các đại học sĩ. Khi Pháp đánh Đà Nẵng (1858), ông làm Tổng thống quân thứ Quảng Nam cùng các tướng lo chống cự. Năm 1860, Pháp tiếp tục đánh Nam Kỳ, ông được cử vào đối phó, lập đại đồn Kỳ Hòa. Năm 1862, Pháp dốc lực tấn công, đại đồn thất thủ, ông bị thương, em là Nguyễn Văn Duy tử trận. Tiếp đó triều đình ký hàng ước, ông lại ra Bắc chỉ huy việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy. Khi Pháp đánh Hà Nội, ông đã ra sức chống giữ, thành vỡ, ông bị thương nặng, không chịu để giặc băng bó, ông nhịn đói tử tiết một tháng sau vào ngày 20-12-1873. Triều đình cho binh phu hộ tống linh cữu về quê an táng.
Ít năm sau, vua Tự Đức cho dựng Trung Hiếu từ ở Chí Long để thờ tự cả 3 vị anh, em và con, gọi là đền Tam Trung. Nay đã được cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.
Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)
Tuy sinh tại Gia Định, nhưng quê cha tại Bồ Điền, Phong Điền và chính tại quê hương này, văn tài của ông đã được un đúc. Năm 11 tuổi ông được cha đưa về quê ăn học suốt 10 năm mới trở lại Gia Định thi đỗ tú tài. Năm 25 tuổi lại về quê chuẩn bị thi tiếp thì được tin mẹ mất, phải trở về thọ tang, dọc đường ông ốm nặng và khóc thương mẹ nên mắt mù. Ông bắt đầu học Đông y, trở về Gia Định dạy học và bốc thuốc. Năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông trở về quê vợ ở Cần Giuộc. Khi Pháp tiến đến Cần Giuộc, ông lại về Ba Tri (Bến Tre), tiếp tục dạy học, làm thuốc và làm thơ văn cổ động tinh thần giết giặc cứu nước và cảnh tỉnh người đời. Tác phẩm gồm có: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế sĩ dân lục tỉnh...
.....

Các ngành nghề thủ công truyền thống

Nghề chạm khắc Mỹ Xuyên: Dân cư làng Mỹ Xuyên đã kế thừa xuất sắc được tinh hoa kĩ thuật gia truyền của các bậc tiền bối để lại. Đến nay đã có hàng trăm nghệ nhân về chạm khắc đã được trưởng thành từ làng này. Nghề chạm khắc Mỹ Xuyên đã để lại dấu ấn đặc trưng trên hầu hết các ngôi nhà và vật dụng bằng gỗ của quan lại ở Huế trong thế kỉ XIX. Những nghệ nhân của Mỹ Xuyên đã biết tạo dáng đa dạng và làm sống động các sản phẩm của mình.
Trong những năm giữa thế kỉ XX, do có nhiều biến động xã hội, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn nghề chạm khắc của làng đã có lúc bị thu hẹp. Sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta gần đây đã có tốc độ tăng trưởng cao. Đời sống nhân dân trong nước được cải thiện và từng bước được nâng cao. Mối quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng. Nghề chạm khắc Mỹ Xuyên đang đứng trước cơ hội để phát triển mạnh.
Nghề rèn Hiền Lương: Làng Hiền Lương nằm trên bờ Bắc của sông Bồ thuộc xã Phong Hiền. Đây là vùng đất trù phú, xung quanh là các xã Quảng Vinh, Quảng Phú, Phong An, Hương Vân... có nền nông nghiệp phát triển sớm. Sự hình thành nghề rèn Hiền Lương là do tác động đồng thời của nhiều nhân tố: sản xuất nông nghiệp ở các vùng phụ cận phát triển có nhu cầu nhiều về các nông cụ; nguồn nguyên vật liệu cho nghề rèn như than củi, quặng sắt phong phú ở Phong Sơn, Phong Xuân và sự định cư của những người thợ tài hoa từ Thanh - Nghệ - Tĩnh vào.
Nghề làm gốm Phước Tích: Làng gốm Phước Tích nằm trên bờ của sông Ô Lâu thuộc xã Phong Hoà. Sự hình thành nghề gốm của làng Phước Tích gắn liền với quá trình khai đất, lập làng của những người định cư đến từ phía Bắc kể từ sau khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ ở xứ Thuận Hoá. Nhân dân trong làng còn lưu truyền rằng ông Hoàng Minh Hùng là người khai đất lập nên làng Phước Tích. Ngài quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, tham gia chinh phạt quân Chiêm Thành lập được nhiều công trạng được nhà Lê phong tặng “Đặc tấn phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ ty, Chỉ huy sứ Quảng Trị, Phó tướng Hùng Minh hầu”. Nguồn gốc dân cư của làng là những người dân ở Quỳnh Lưu đã theo ông vào đây sinh sống. Đây là những người đã có kinh nghiệm làm đồ gốm từ khi còn ở quê nhà được đem theo vào đây lập nên nghề gốm ở Phước Tích.
Nghề kim hoàn Kế Môn: Nghề kim hoàn ở Kế Môn được hình thành vào thời kì đầu thế kỉ XIX do ông tổ Cao Đình Độ truyền nghề. Ông Cao Đình Độ có trình độ tay nghề luyện và điêu khắc vàng bạc rất giỏi, được vua Gia Long truyền lệnh trưng tập vào bộ phận nội kim tượng cuộc của hoàng cung. Khi già ông về sinh sống ở Kế Môn và truyền nghề cho con là Cao Đình Hương, về sau ông Cao Đình Hương lại truyền nghề cho người làng Kế Môn. Nghề kim hoàn Kế Môn đã từng rất nổi tiếng về gia công vàng bạc. Các sản phẩm từ vàng bạc như trâm cài, hoa tai, vòng xuyến, nhẫn... được sử dụng ở Phú Xuân trong thời phong kiến chủ yếu được tạo bởi những người thợ kim hoàn Kế Môn. Từ sau năm 1945, do tác động của chiến tranh, nhu cầu sử dụng vàng bạc trang sức trong vùng giảm mạnh nên nghề này không còn hoạt động nữa. Những người thợ lành nghề chuyển dần vào sinh sống ở các đô thị để phù hợp với nghề của mình. Hiện nay, rải rác trong các đô thị phía Nam đều có các nghệ nhân của làng kim hoàn Kế Môn. Làng Kế Môn ngày nay chỉ còn lại truyền thuyết về một làng nghề kim hoàn nổi tiếng. Phần lớn lao động trưởng thành của làng đều đi lập nghiệp ở các địa phương khác.
Nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa: Trồng dâu nuôi tằm dệt lụa là nghề truyền thống lâu đời của nhân dân ta. Nghề này đã được những người dân nhập cư từ các tỉnh Bắc Trung Bộ đem vào và phát triển thành nghề truyền thống của làng Ưu Điềm, xã Phong Hoà. Đặc điểm tự nhiên ở khu vực này có các doi đất phù sa cổ màu mỡ rất thuận lợi để phát triển trồng dâu nuôi tằm. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây tuy không nổi tiếng như các làng Chương Mỹ (Hà Đông), Yên Hồ (Hà Tĩnh)... nhưng cũng là nơi sản xuất tơ lụa được hình thành sớm của xứ Đàng Trong
Ngoài ra, Phong Điền là vùng đất phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế vừa giáp biển lại có nhiều sông, suối, hồ, bàu, trằm và đầm phá nên rất phong phú về các loại thủy sản.
Bên cạnh đó cũng phát triển rất nhiều làng nghề đánh bắt thủy hải sản như: Nghề non đầm, Nghề sáo, Nghề đáy, Nghề rớ, Nghề lưới dạy, Nghề chuôm,...
Phong Điền là một trong những huyện có tài nguyên rừng phong phú. Vì vậy nghề trồng rừng, khai thác lâm sản, chế biến lâm sản cũng phát triển mạnh mẽ

Hình ảnh về Phong Điền, Thừa Thiên Huế


Một ngôi chùa tại huyện Phong Điền

Nghề kim hoàn Kế Môn

Một góc đô thị tại huyện Phong Điền

Dự án bất động sản tại Huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế

Hiện chưa có dự án nào tại Huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế

Huyện Phong Điền có bao nhiêu xã, phường và thị trấn?

Vị trí Phong Điền

Các trường THPT, CĐ, ĐH tại Huyện Phong ĐiềnThừa Thiên Huế

STTLoạiTên trườngĐịa chỉ
1THPTThpt Nguyễn Đình ChiểuXã Phong An, huyện Phong Điền
2THPTThpt Phong ĐiềnTT Phong Điền, huyện Phong Điền
3THPTThpt Tam GiangXã Điền Hải, huyện Phong Điền
4THPTTHPT Trần Văn KỷXã Phong Bình, huyện Phong Điền

Chi nhánh / cây ATM tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế

Chi nhánh/ PGD ngân hàng ở Huyện Phong Điền - Thừa Thiên Huế

STTNgân hàngTên CN/ PGDĐịa chỉ
1AgribankChi nhánh Phong ĐiềnThôn Trạch Thượng 1, Thị Trấn Phong Điền, Phong Điền, Thừa Thiên Huế
2AgribankPhòng giao dịch An LỗThôn Bồ Điền, Xã Phong An, Phong Điền, Thừa Thiên Huế
3LienVietPostBankPhòng giao dịch Bưu điện Phong ĐiềnThôn Trạch Thượng 1, thị trấn Phong Điền, Phong Điền, Thừa Thiên Huế
4VietinBankPhòng giao dịch Phong ĐiềnSố 53 Đường Phò Trạch, Thị Trấn Phong Điền, Phong Điền, Thừa Thiên Huế
5LienVietPostBankPhòng giao dịch Phong ĐiềnThôn Trạch thượng 1, thị trấn Phong Điền, Phong Điền, Thừa Thiên Huế
6AgribankPhòng giao dịch Điền LộcChợ Điền Lộc, Thôn Giáp Nam, Xã Điền Lộc, Phong Điền, Thừa Thiên Huế

Cây ATM ngân hàng ở Huyện Phong Điền - Thừa Thiên Huế

STTNgân hàngTên cây ATMĐịa chỉ
1AgribankBệnh viện TW Huế - Cơ sở 2QL1A, Phong An, Thị xã Hương Trà, Phong Điền, Thừa Thiên Huế
2TechcombankCông ty Scavi - KCN Phong ThuKhu công nghiệp Phong Thu, Huyện Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế
3VietcombankKCN Phong ĐiềnKCN Phong Điền, Huyện Phòng Điền, Huyện Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế
4AgribankTrạch Thượng 1 - Phong ĐiềnThôn Trạch Thượng 1, Thị Trấn Phong Điền, Phong Điền, Thừa Thiên Huế
5VietcombankXã Phong An, Huyện Phong ĐiềnXã Phong An, Huyện Phong Điền, Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế

Ghi chú về Phong Điền

Thông tin về Huyện Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục được cập nhật tại tinbds.com. Nếu bạn thấy thông tin không chính xác, vui lòng góp ý với ban quản trị website tinbds.com. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn đóng góp của bạn.
Từ khóa tìm kiếm:
Huyện Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế: bản đồ vị trí, các dự án, phường quận huyện thị xã thành phố trực thuộc. Điện thoại UBND, hình ảnh về Phong Điền, Thừa Thiên Huế